Sai lầm của Giám đốc tài chính trong doanh nghiệp vừa và nhỏ

0
889

Hiện nay, tổ chức phòng tài chính kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khá đơn giản với người đứng đầu là kế toán trưởng cũng là Giám đốc Tài chính – CFO. Một vài vai trò sai lầm của Giám đốc Tài chính (CFO) trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, được thể hiện bởi các đặc điểm trong bài viết sau.

Sai lầm của Giám đốc tài chính trong doanh nghiệp vừa và nhỏ
                   Sai lầm của Giám đốc tài chính trong doanh nghiệp vừa và nhỏ

#1. Sự phân quyền hạn hẹp

Các CFO thường chỉ được phân quyền hạn hẹp để chủ yếu tập trung vào các chức năng kế toán và thuế, đa số chưa có chuyên viên tài chính chuyên nghiệp tách biệt với bộ phận kế toán viên. Chức năng giám đốc tài chính với các nghiệp vụ như huy động vốn và làm việc với các định chế tài chính, quyết định các dự án đầu tư thường do Chủ doanh nghiệp, Hội đồng quản trị và Giám đốc Công ty quyết định.

Điều trên một phần xuất phát từ việc các CFO chưa nâng tầm kiến thức và năng lực của mình lên tương xứng với vai trò đáng có, bên cạnh đó, còn xuất phát từ ý muốn của chủ sở hữu có muốn san sẻ quyền lực hay không. Trong nhiều trường hợp, các giám đốc tài chính tỏ ra thất vọng và không làm việc hết năng lực vì họ cảm thấy kiến thức và chuyên môn của mình chưa được trọng dụng.

#2. CFO không chú trọng nâng cấp kiến thức của mình

Giám đốc tài chính cần nâng cao kiến thức chuyên môn
                      Giám đốc tài chính cần nâng cao kiến thức chuyên môn

Khi các doanh nghiệp phát triển về quy mô thì giám đốc tài chính đòi hỏi phải có thêm năng lực mới và kỹ năng mới, đặc biệt là năng lực về tham gia hoạch định và lập kế hoạch chiến lược, sự am hiểu sâu hơn về thị trường tài chính và môi trường kinh doanh.

Nếu không chuẩn bị tốt thì năng lực hiện có của CFO có thể không đủ để giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn mới. Để tích lũy điều này cần quá trình liên tục học hỏi kiến thức và kinh nghiệm. Ở nhiều doanh nghiệp, giám đốc tài chính chưa có một sự chuẩn bị cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp, chưa tích cực tự học tập nâng cao trình độ, còn yếu về trình độ ngoại ngữ.

#3. Giám đốc tài chính ít chú ý đến việc tạo ra môi trường nâng cấp năng lực của nhân viên

Khá nhiều CFO chưa coi trọng việc xây dựng một chương trình rõ ràng nhằm đào tạo và bồi dưỡng liên tục các nhân viên của mình.

CFO ít chú ý đến môi trường làm việc của cấp dưới
                        CFO ít chú ý đến môi trường làm việc của cấp dưới

Khá ít doanh nghiệp xây dựng các tủ sách chuyên môn nhằm giúp nhân viên thuận tiện trong việc cập nhật kiến thức và không có nhiều giám đốc tài chính thường xuyên đọc và giới thiệu cho các nhân viên các cuốn sách hay, tài liệu hay cần học tập. Điều này dẫn đến tình trạng năng lực của nhân viên không được nâng lên để đáp ứng những công việc mới.

#4. CFO chưa chú trọng đến quy chế

CFO tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự chú trọng xây dựng các quy chế, quy trình nghiệp vụ, bên cạnh đó, việc thực thi các quy chế và quy trình này còn mang tính hình thức, việc lập kế hoạch chiến lược dài hạn và kế hoạch tài chính dài hạn ít được chú trọng, nhiều CFO thiếu đi kiến thức trong việc lập và thẩm định dự án đầu tư.

Nguồn: Theo Infonet